Trích (Excerpt from) :

"Gốc từ Hi lạp và La-tinh trong Hệ thống Thuật ngữ Pháp - Anh"

the 2001 Vietnamese edition of

"Scientific Terminology"

* * * * * * * * * *

Chương Hai

Hệ thống thuật ngữ Anh và Pháp

A. Thuật ngữ khoa học

B. Danh pháp khoa học Anh, Pháp và tiếng Hy-lạp, La-tinh

Chapter II

Scientific terminology

* * * * * * * * * *

Hệ thống thuật ngữ Anh và Pháp

Khi đọc báo khoa học hay sách chuyên môn bằng tiếng Anh hay tiếng Pháp, ta thường gặp nhiều từ khó hiểu, mà ngay cả những người chuyên môn ở lãnh vực khác cũng khó biết nó có nghĩa hay muốn nói gì. Trong y học hay sinh học, có những từ quen thuộc như anatomy, lateral hay vertebrate, hoặc những từ lạ hơn như nevoid, telangioma, eosinophilia nhưng cũng có thể gặp những từ dài dòng và quái dị như hepaticocholecystenterostomy, hay perineocolporectomyomectomy !
Ðiều khó hiểu có thể do ta không quen thuộc khái niệm được bàn đến và rất có thể là tại vì thuật ngữ. Nhưng không nên cho rằng tất cả các thuật ngữ khó hiểu đều là biệt ngữ và nếu suy nghĩ kỹ, ta có thể đặt ra một số câu hỏi về những từ chuyên môn dùng trong khoa học như:
Tại sao phải dùng nhiều từ có gốc cổ ngữ, những từ không quen thuộc, khó hiểu và có thể bị chê là cầu kỳ quá đáng hay có tính khoe trương, sính chữ ?
Tại sao các nhà khoa học cần phải có từ vựng riêng biệt của họ ?
Bản chất, đặc tính của thuật ngữ khoa học phải như thế nào ?
Nguồn gốc của chúng ở đâu ra ?
Phải chăng đó là những từ được đặt ra tùy hứng hay được cấu tạo hợp lý sau khi đã suy nghĩ, nghiền ngẫm kỹ càng ?
Phải chăng chỉ có những nhà chuyên môn mới hiểu nỗi những từ này hay người thường, có một ít kiến thức khoa học cũng có thể biết được ý nghĩa của các thuật ngữ ?
Trong phần đầu của chương này, ta sẽ bàn đến những câu hỏi có tính cách tổng quát, sau đó những câu hỏi về nguồn gốc và cách cấu tạo thuật ngữ khoa học Anh và Pháp sẽ được xét đến cho nên một số ví dụ thuộc hai ngôn ngữ này sẽ được đem ra dùng.

A. Thuật ngữ khoa học

1. Ngôn ngữ thông thường và thuật ngữ khoa học

Ngôn ngữ là phương tiện chính để con người trao đổi thông tin và diễn tả, tàng trử một số lớn dữ kiện và khái niệm. Trãi qua bao thế kỷ, đã có nhiều ngôn ngữ được phát triển và kiến thức của nhân loại đã được diễn tả bằng những ngôn ngữ khác nhau. Tuy nhiên, bình thường con người thâu thập và truyền lại các hiểu biết bằng tiếng mẹ đẻ của mình.
Khi kiến thức và các khái niệm càng nhiều và có thể thay đổi, thì số từ của mỗi ngôn ngữ càng tăng thêm. Mỗi một hiện tượng, phát minh mới, cần có một tên để gọi và nếu có sự thay đổi thì những từ đã có cũng biến đổi theo. Ngôn ngữ có đời sống riêng của nó và tiếp tục thay đổi chứ không phải ở trạng thái tĩnh.
Khi được xem như một phương tiện để thông tin, ngôn ngữ đã phải tự thích nghi để đáp ứng một số đòi hỏi cần thiết. Ngôn ngữ thông thường, còn gọi là thường ngữ, là ngôn ngữ thường ngày mà đa số dân chúng dùng trong cuộc sống. Trong quá trình phát triển, ngôn ngữ không bị kiểm soát và ép buộc phát triển theo một chiều hướng nào. Các từ điển và các nhà ngôn ngữ chỉ làm công việc báo cáo, nhận xét và đề nghị cách đọc, định nghĩa các từ. Nhưng từ điển và học giả chỉ giúp điều chỉnh tự nguyện hay hạn chế và không thể cấm ngôn ngữ biến hóa.
Ngôn từ thay đổi còn tùy theo địa điểm và thời gian; ở cùng nơi và cùng thời, có thể thay đổi tùy theo người dùng. Trong thường ngữ, những đặc điểm của ngôn ngữ được thấy rõ trong lời nói hơn trong câu văn viết.
Thường ngữ cũng là ngôn ngữ của một dân tộc, mỗi dân tộc coi nó là của riêng mình, muốn bày tỏ bản sắc, rồi gìn giữ, bảo vệ nó.
Trái lại, ngôn ngữ dùng trong khoa học kỹ thuật có phần khác ngôn ngữ thông thường vì khoa học có tính phổ quát. Các khoa học gia là những phần tử siêu quốc gia: họ phải thông tin, trao đổi tài liệu không kể biên giới văn hóa, chính trị, ngôn ngữ. Ngày nay, vì sự trao đổi kinh tế, văn hóa, quân sự, vấn đề ngôn ngữ chung này cũng được đặt ra trong các lĩnh vực khác, ngoài khoa học, như viễn thông, hàng không ...
Thuật ngữ khoa học không phải là một ngôn ngữ riêng biệt và khác hẳn dành cho nhiều lãnh vực khác nhau. Thuật ngữ cũng có hầu hết các đặc tính của tiếng thông thường. Tuy nhiên, thuật ngữ có phần khác ngôn ngữ thông thường : một trong những đặc tính của thuật ngữ là tính miêu tả và định nghĩa; ngoài ra, nhiều từ có liên hệ với nhau như thuộc một hệ thống phân loại. Mỗi lãnh vực có những đặc điểm và thuộc tính riêng biệt của nó.
Trước hết, thuật ngữ phần lớn thuộc địa hạt của chuyên viên và người làm nghiên cứu. Họ thường trọng tiền lệ, chuộng sự chính xác và tính nhất quán cả trong hình thức lẫn cách dùng. Chữ viết ở đây quan trọng hơn tiếng nói.
Thuật ngữ thuộc vào địa hạt chuyên môn và được dùng có giới hạn, ngoài ra số từ rất lớn và số người dùng không nhiều nên trong thường ngữ ta ít gặp thuật ngữ. Nhờ vậy thuật ngữ khoa học có tính chất ổn định và rất ít thay đổi so với thường ngữ, cả về mặt hình thái cũng như ngữ nghĩa.
Ngoài ra, thuật ngữ còn có tính cách quốc tế hơn ngôn ngữ thông thường. Nhiều từ có dạng và nghĩa giống nhau trong nhiều ngôn ngữ khác nhau. Số từ thuật ngữ giống nhau rất nhiều, nhiều hơn là ở trong ngôn ngữ thông thường. Tùy theo lãnh vực, số từ giống nhau nhiều hay ít : nhiều nhất là trong các môn toán, vật lý, thiên văn, hóa học, sau đó đến sinh vật; trái lại trong văn chương, kinh tế, chính trị, có ít từ giống nhau hơn là trong lãnh vực khoa học tự nhiên.
Ngoài những nhận xét chung vừa nói, sau đây là những câu hỏi thường được đặt ra về thuật ngữ khoa học kỹ thuật và sẽ được xét đến : tại sao thuật ngữ khoa học tránh dùng tiếng bản xứ ? khi đặt danh pháp khoa học, nên có những tiêu chuẩn nào ?

2. Tiếng bản địa và thuật ngữ khoa học

Từ xưa tới nay, ở bất cứ nước nào cũng có người cổ võ rằng khoa học phải được diễn đạt bằng tiếng bản xứ, tiếng mẹ đẻ, dù đó là tiếng Pháp, tiếng Anh, Tây ban nha, Ðức, Việt nam hay Tagalog. Người nói tiếng Anh tự hỏi tại sao người làm khoa học Anh dùng những từ như "quercus alba" thay vì "white oak" (cây sồi trắng), hoặc "rubella scarlatinosa" thay vì "measles" (bệnh sưởi) ...
Nếu dùng từ thông thường thì từ vựng khoa học sẽ đơn giản và kiến thức dễ được thu thập hơn. Theo những người này, môn giải phẫu học chẳng hạn, có quá nhiều từ xa lạ, cũng như trong y học, có nhiều từ khó hiểu và có nghĩa rất bí ẩn như khi đem so sánh những từ tương đương sau đây :
baldness / calvities, alopecia or atrichia (chứng sói tóc)
thirst / dipsosis or polydipsia (chứng khát bệnh lý, chứng uống nhiều)
windpipe / trachea (khí quản, ống từ cổ họng đến cuốn phổi để cho không khí thông vào phổi) ....
Ðể chống lại xu hướng trên, cũng có nhiều lý do, như ta sẽ thấy khi bàn đến đặc tính của thuật ngữ khoa học, danh pháp và việc dùng tiếng Hy-lạp, La-tinh trong thuật ngữ.
Sau đây là những ý kiến thường được đưa ra để chống lại quan điểm muốn dùng tiếng bản xứ :
a) Một từ thông thường ít khi miêu tả một thực thể hay khái niệm rõ bằng một thuật ngữ chuyên môn. Thật vậy, trong thường ngữ, liên hệ giữa tên và sự vật không có gì là đặc biệt cả, từ nguyên của từ thường cũng không rõ ràng, phần lớn cốt để chỉ sự vật, khái niệm hơn là để định nghĩa chúng. Nghĩa của từ, nếu có, cũng đã trở thành mơ hồ và nếu còn thì cũng chỉ có tính cách gợi cảm và đó là điều thuật ngữ muốn tránh.
Chẳng hạn, xem những cặp từ đồng nghĩa sau đây, thì thuật ngữ (viết nghiêng, in đậm) có nghĩa rõ ràng và miêu tả nhiều hơn :
epidermis / scarf-skin biểu bì ( epi , ngoài ; derma , da )
pachyderm / elephant loài da dày (như voi, tê giác...) ( pachys , dày ; derma , da )
Thỉnh thoảng, từ thông thường cũng miêu tả không kém từ chuyên môn, khó lòng phân biệt hơn thua :
cephalalgia / headache chứng đau đầu, nhức đầu
( kephalos , đầu ; algaos , nỗi đau )
pedodontia / children's dentistry nhi nha khoa, môn học răng miệng trẻ em
( paed -, trẻ em ; odont -, răng )
Những từ thông thường nói trên, vừa miêu tả đầy đủ lại còn dễ nhớ, tuy nhiên không phải khi nào điều này cũng đúng. Ngoài ra khi muốn diễn tả những cấu trúc và quy trình phức tạp, từ thông thường không thích hợp. Từ vựng thông thường còn thiếu rất nhiều từ để nói đến nhiều hiện tượng, sự vật, khái niệm.
b) Từ thông thường ít chính xác và thường có nhiều nghĩa. Mặc dầu nghĩa nguyên thủy có thể là rất rõ nhưng lâu ngày, một số từ đã có thêm nhiều nghĩa phụ khác vì từ thông thường được dùng trong nhiều lãnh vực. Trong văn chương, đó có thể là điều hay nhưng trong khoa học là điều nên tránh. Ðây là lý do chính tại sao người làm khoa học thường tránh dùng những từ thông thường và đã đặt từ riêng mà dùng, như vậy, những từ này sẽ được định nghĩa chính xác hơn.
Ví dụ : speechlessness aphasia ( pha- , nói).
Hai từ này thoạt nhìn tưởng giống nhau, nói đến " sự không nói được". Thật ra, từ thông thường speechlessness có nhiều nghĩa: "không nói được" có thể vì lên sân khấu quá sợ, bất ngờ hay giận dữ; cũng có thể do bẩm sinh. Trái lại, thuật ngữ aphasia (mất ngôn ngữ, vong ngôn) chỉ chứng mất ngôn ngữ vì não bị hư hỏng.
Ta cũng thấy nhiều thuật ngữ khoa học khi đã đi vào từ vựng thông thường sẽ có nhiều nghĩa và gợi nhiều ý khác. Ví dụ : electrified, allergic, atomic, vitriolic đã có những nghĩa khác xa với những từ này khi còn được dùng như những thuật ngữ khoa học.
c) Có khi nhiều từ lại được dùng để chỉ cùng một sự việc, gây nên sự không rõ nghĩa và tính thiếu nhất quán .
d) Từ thông thường hàm chứa nhiều nghĩa và gây xúc cảm. Ví dụ : cheiloschisis harelip cùng chỉ một hiện tượng (tật sứt môi). Ngoài ra những từ thông thường có thể có nghĩa tục, đáng tránh.
e) Từ thông thường không được ổn định : nghĩa cũng như hình thái thường thay đổi nhanh, tùy theo địa phương và theo ngay cả từng người dùng.
g) Nếu dùng từ thông thường sẽ đem lại sự hổn tạp, không có hệ thống.
h) Việc dùng hai loại từ vựng sẽ gây khó khăn cho một số người ngoại quốc. Một số thuật ngữ đã có gốc quốc tế, ta không nên đi ngược lại chiều hướng này, đem dùng từ thông thường.
Sau khi so sánh hai loại từ vựng, xét qua những tiêu chuẩn và chức vụ cần có, ta thấy thuật ngữ khoa học cần có những tiêu chuẩn riêng: những từ chính xác, phản ảnh đúng ý, có tính miêu tả, nằm trong một hệ thống phân loại, v. v ... Trái lại, thường ngữ bị vướng trong những cơ cấu hoàn toàn khác biệt, có chức vụ và cách biến hóa khác với thuật ngữ. Vì vậy thường ngữ không cung cấp được một cơ sở thích hợp để cho thuật ngữ có thể phát triển thỏa đáng mà theo Condillac đó là điều kiện cần thiết cho bất cứ ngành khoa học nào. Ngoài ra, những điều kiện cần cho việc thông tin khoa học cũng rất khác với việc thông tin bằng thường ngữ.
Ta hãy xem cách đặt tên có hệ thống và những tiêu chuẩn cần có của thuật ngữ khoa học.

3. Những tiêu chuẩn của danh pháp khoa học

Danh pháp là đặt tên một cách có hệ thống. Có nhiều quan điểm trong việc đặt tên: từ quan điểm gọi tên tùy hứng tới quan điểm chọn tên có mô tả, tên đẹp và hài hòa. Có người cho rằng tên chỉ là cái nhản để phân biệt, chẳng cần đòi hỏi gì hơn. Kẻ khác lại biện hộ cho việc đặt tên có ý nghĩa và thích hợp. Trong những lãnh vực như toán, vật lý và luận lý, ký hiệu thường được dùng để thay thế lời nói hay chữ viết. Trái lại, để đặt tên cho những sinh tố, có một thời kỳ người ta đã nghĩ đến việc dùng chữ cái và số nhưng mới đây lại dùng từ.
Không phải bất cứ lãnh vực khoa học nào cũng có tiêu chuẩn đặt danh pháp giống nhau, mỗi ngành có nhu cầu riêng. Ngành khoa học thực nghiệm phải dùng tên để gọi sự vật, vì vậy có nhu cầu khác với ngành khoa học lý thuyết. Nhiều phân khoa cùng một ngành có thể có những nhu cầu khác nhau. Trong ngành sinh học, một trong những vấn đề quan trọng của danh pháp là việc dùng hệ thống chi, loài để phân biệt và phân loại động vật, thực vật. Trái lại, trong y khoa, chuyện phân loại không quan trọng nhưng việc chỉ định nguyên nhân, quá trình, phương pháp hậu quả lại là những vấn đề chính cần giải quyết.
Trong hóa học cũng như trong sinh học, danh pháp phải lo phân loại trong khi ngành nha lại lo tìm từ để miêu tả những ý niệm, những điều dị thường và các quá trình. Phần lớn những ngành của sinh học và y học, tuy có nhu cầu khác nhau, nhưng lại có cùng một số tiêu chuẩn trong cách đặt danh pháp.
Những tiêu chuẩn thường có tính cách phổ quát , chung cho thuật ngữ của bất kỳ ngôn ngữ nào. Chỉ có một hay hai yêu cầu hơi riêng biệt cho thuật ngữ Anh, và Pháp.
Tính chính xác là tính chất quan trọng nhất của thuật ngữ khoa học. Chính xác tức là không gây nhầm lẫn. Muốn thế, chính xác hà m chứa hai đặc tính a b tiếp theo đây: mỗi khái niệm phải có một thuật ngữ và một thuật ngữ chỉ dùng cho một khái niệm mvà thôi.
a. Một khái niệm phải có một thuật ngữ phản ảnh đúng ý.
Ðể chỉ một ý, một khái niệm, phải dùng một từ hay biểu thức. Từ hay biểu thức đó phải phản ảnh đúng cái ý hay khái niệm ta muốn diễn tả.
Một danh từ khoa học không phải là bất kỳ một cái nhản nào mà còn phải gợi rõ những chi tiết, đặc tính của khái niệm hay sự vật mà danh từ được dùng để gọi.
Hiếm khi mà một từ có thể diễn tả đầy đủ một hiện tượng như một cấu trúc, một sự dị thường, một quá trình, chức vụ hay hậu quả, v. v. ... Một từ chỉ có thể phát họa ngắn gọn hay diễn tả vắn tắt. Vì vậy, từ đó phải cố gắng miêu tả cho chính xác, gợi ra những đặc tính để phân biệt với những từ khác. Những chi tiết mà ta không nắm chắc được hay không cần thiết thì không nên nói đến. Chẳng hạn nếu nguyên nhân của một bệnh chưa được rõ thì danh từ chỉ bệnh đó chớ nên nói đến. Theo nguyên tắc, không có sự giới hạn trong việc miêu tả (bằng cách dùng từ ghép, có nhiều thành phần) nhưng cần phải dè dặt, hạn chế. Nếu nói đến quá nhiều đặc tính hay nói đến những đặc tính chưa được kiểm nghiệm thì kết quả chỉ là một từ dài dòng và chẳng bao lâu sau nó sẽ không còn thích hợp nữa.
Có lẽ, trong khoa học, danh pháp có tính cách miêu tả lớn nhất được dùng là danh pháp hóa và dược. Cơ sở của danh pháp hóa học là bản chất và cấu trúc của hợp chất. Chỉ cần nhìn tên một hợp chất là ta có thể biết ngay được công thức, biết cách cấu tạo mà trước đó chưa biết.
Một danh pháp quá miêu tả có thể là điều không hay vì ngoài ra còn có những tiêu chuẩn khác. Thật vậy, tên dùng trong hóa học không ngắn gọn và không tiện lợi, khó đọc vì phải kể hết những thành phần. Vì thế người ta đặt tên viết tắt hay dùng tên có bản quyền như butethamine, cortisone, sulfa. Ngược lại, danh pháp hóa học rất nhất quán và đồng nhất, các ngành khoa học khác chưa có được một danh pháp như vậy.
Trong y học và sinh học, những thực thể và đặc tính mà danh từ cần miêu tả gồm nhiều yếu tố không đồng nhất như kích cở, màu sắc, chuyển động, nguyên nhân, hậu quả và cấp bậc ... Với tất cả những yếu tố đó, hai ngành này khó lòng mà có được một danh pháp có tính miêu tả hợp lý và chính xác như trong một lãnh vực có ít yếu tố hơn hay có yếu tố đồng nhất hơn.
Ngành thực vật cũng gặp nhiều khó khăn vì cần đặt tên cho rất nhiều giống cây và cách tạo giống lai.
b. Tính chuyên biệt . Ngoài ra, để được chính xác, một thuật ngữ phải chỉ một khái niệm mà thôi . Ðiều này nói đến tính riêng biệt, chuyên môn của từ.
Ðây là tính cần yếu nhất của thuật ngữ khoa học. Lý tưởng nhất là mỗi sự vật, mỗi khái niệm có được một tên duy nhất, rõ ràng và như vậy không gây sự nhầm lẫn. Những thuật ngữ có tính cách miêu tả thường có tính chuyên biệt này nhưng thỉnh thoảng vì nhiều lý do, có những từ ngắn và ít miêu tả cũng được dùng, vì vậy có thể thiếu chính xác.
Ví dụ : các từ shin (xương ống chân) và shank (xương ống cẳng) trong tiếng Anh không phân biệt được xương trong hay xương ngoài trong hai xương ống của cẳng chân trong khi từ tibia (xương chày) và fibula (xương mác) có tính chuyên biệt hơn, phân biệt rõ ràng, không thể nhầm lẫn được nên đã được chọn.
Các từ của ngôn ngữ thông thường hay thiếu đặc tính này. Trong trường hợp những từ thiếu đặc tính chuyên môn thì có cách là nếu muốn dùng thì (tác giả hay một cơ quan đặt danh pháp) phải định nghĩa một cách rõ ràng.
c. Tính hệ thống
Nhiều thuật ngữ có quan hệ với nhau nên khi đặt thuật ngữ phải chú ý đến những mối quan hệ đó (gọi là quan hệ định vị). Một từ diễn tả một khái niệm được coi như có định vị tốt nếu từ đó cho thấy rõ quan hệ của nó với những khái niệm khác trong cùng một ngành và các ngành khác có liên hệ mật thiết.
Muốn có những từ có định vị tốt, phải xét xem thuật ngữ đã được dùng trong nhiều ngành liên hệ để cho những từ dùng chung trong các ngành có dạng và nghĩa được hài hòa và thuật ngữ trong các môn phải hợp thành một toàn thể duy nhất và có liên lạc. Như vậy, danh pháp có tính có hệ thống.
Một ngành khoa học càng phát triển thì hệ thống khái niệm càng phong phú. Khi đặt tên, phải nghĩ đến các khái niệm trong cùng một hệ thống. Thuật ngữ Anh và Pháp đã hệ thống hóa một số gốc từ, tiền tố và tiếp tố.
Ví dụ sau khi xét đến và đặt tên cho hiện tượng chuyển hóa (métabolism / métabolisme), các nhà sinh học đã dùng hai tiền tố ANA- và CATA- để chỉ hai quá trình đồng hóa (anabolism / anabolisme) và dị hóa (catabolism / catabolisme) diễn ra đồng thời và có quan hệ hổ tương chặt chẽ.
Những khái niệm như đồng hóa và dị hóa trên đây đối lập nhau vì nói đến tổng hợp và phân tích (sự đồng hóa để tạo nên những hợp chất phức tạp hơn, sự dị hóa để phân nhỏ các phân tử phức tạp thành các hợp chất đơn giản hơn) hay âm với dương (như anode và cathode), nhưng cũng có thể dùng các khái niệm khác để phân loại như lớp , hạng , loài , loại , thể , thức , lối kiểu , hình dạng ... Cho khái niệm này một cái tên, tất nhiên không thể không nghĩ đến những khái niệm khác cùng chung một hệ thống.
Những khái niệm gần nhau, có liên quan chặt chẽ cũng có thể họp thành nhóm, mỗi nhóm cũng có thể thành một "hệ thống" khái niệm.
Ví dụ, trong tiếng Pháp, khái niệm hình dạng tập hợp những dạng vi khuẩn:
coques, khuẩn tròn; bacilles, khuẩn que, ...
rồi còn phân biệt theo cách chúng kết hợp với nhau như:
diplocoques,song cầu khuẩn; streptocoques, khuẩn cầu chuỗi; staphylocoques, khuẩn cầu chùm ...
Tên của khuẩn cũng được hệ thống hóa tùy theo cách mọc lông roi như:
gymno-triches, loại khuẩn trần, không lông;
mono-triches, lông đơn;
lopho-triches, có túm lông đầu;
amphi-triches, có hai túm lông hai đầu;
hay péri-triches, có lông quanh ...
Phép gọi tên kép (danh pháp lưỡng nôm) hay tên có ba thành phần của sinh học để chỉ động vật và thực vật là danh pháp có định vị tốt. Ngay cả trong những lĩnh vực mà tên chỉ có một từ, cũng nên phỏng theo cách đặt tên theo lối "chi - loài - nòi". Bằng cách dùng từ có một hay nhiều thành phần đã được dùng trong những từ liên hệ, sẽ làm cho thấy rõ quan hệ giữa nhiều từ, và ý nghĩa đặc biệt của từng từ được sáng tỏ.
Những từ trong các nhóm sau đây được xem như có định vị tốt:
gnathic, prognathism, eurygnathic, micrognathia, pachygnathous.
leukopenia, glycopenia, chloropenia, thrombocytipenia.
cholecystitis, cholecystogram, pericholecystic.
Một danh pháp có hệ thống không phải chỉ là một kỹ thuật ghi chép tầm thường: nó chỉ rõ những tương quan và khác biệt, giúp cho sự tổ chức xếp đặt tri thức. Những điều nói trên nêu rõ tầm quan trọng của tính chất hệ thống của thuật ngữ khoa học. Nếu đạt được mức chính xác mà còn có tính chất hệ thống thì thuật ngữ càng có đầy đủ tính chất khoa học.
d. Sự đúng đắn về phương diện ngữ học.
Một thuật ngữ khoa học của bất cứ dân tộc nào cũng phải được đặt đúng theo phương diện ngữ học về cách cấu trúc cũng như hình thức của ngôn ngữ dân tộc đó, nghĩa là phải có tính chất ngôn ngữ dân tộc . Ví dụ trong tiếng Anh và Pháp, gốc từ, tiền tố, tiếp tố, phải được dùng cho đúng, cách chuyển chữ từ tiếng Hy-lạp và La-tinh phải được tuân theo nghiêm chỉnh.
Khi đặt thuật ngữ tiếng Việt, ta phải chịu khó tìm tòi những yếu tố thuần Việt trước khi dùng những yếu tố Hán-Việt. Chúng ta không nên lạm dụng tiếng Hán nhưng cũng nên biết cách dùng những yếu tố này nếu thật sự chúng đem lại tính chất hệ thống và ngắn gọn cho thuật ngữ. Cách đặt sai hay viết sai sẽ gây nhiều khó khăn vô ích (Xem Phụ lục nói về những gốc từ hay gây nhầm lẫn).
Người tạo từ nhiều khi nên giải thích từ nguyên của từ mới vừa được đặt ra. Ðây cũng là một thói quen tốt vì sẽ giúp tránh bớt lỗi lầm khi tạo từ, đồng thời giúp các từ mới đặt được thấu hiểu, bàn cải để trở thành thích hợp hơn. Một từ điển khoa học có giá trị phải có mục nói về gốc từ đã tạo nên thuật ngữ phái sinh.
e. Tính hài âm.
Một từ nên có âm thuận tai, dễ đọc, dễ viết. Kinh nghiệm cho thấy rằng những từ dễ đọc sẽ dần dần thay thế những từ khó đọc mặc dầu những từ này có thể được cấu tạo đúng qui luật hơn.
Ví dụ : "pacifist" đã được dùng thay vì " pacificist "
urinalysis thay vì urinanalysis
hay appendectomy thay vì appendicectomy .
Và ta sẽ thấy, internaute chắc chắn sẽ được dùng hơn là từ internetnaute !
g. Tính ngắn gọn .
Khi đặt danh từ, nên dùng hình thức và cách cấu tạo của từ để làm rõ nghĩa. Trong tiếng Anh và Pháp, việc dùng các gốc từ, nhất là gốc Hy-lạp, đã giúp rất nhiều để thuật ngữ có được tính chất ngắn gọn và ta sẽ bàn đến ở phần sau.
Ví dụ : thrombosis (chứng huyết khối), thật ngắn gọn so với " formation of a clot in the heart or a blood vessel which obstructs the circulation " (từ Hy-lạp thrombos có nghĩa là cục, khối, hòn; đóng khối, đông lại . Chứng huyết khối: sự hình thành một cục máu trong mạch máu hoặc trong tim làm nghẽn sự tuần hoàn)
Tuy thuật ngữ thường có tính gợi ý mà ngắn gọn nhưng không phải dùng một hai âm mà dựng đủ các ý trong một danh từ. Muốn hiểu rõ nghĩa phải đọc sách giáo khoa hay tra từ điển. Người chưa học thì có giỏi đến đâu cũng không thể nhìn danh từ mà đoán biết nghĩa được. Chọn gốc từ cốt để cho những người đã có ý niệm có thể sau đó nhớ danh từ dễ hơn.
Như đã nói qua về tính miêu tả ở trên, những từ quá dài, khó đọc chớ nên dùng, chẳng hạn từ " hepaticocholangiochelecystenterostomy ", tuy được cấu tạo đúng cách và có nghĩa nhưng không tiện dùng chút nào. Trái lại từ " laryngotracheobronchitis " có thể được chấp nhận mặc dầu khá dài nhưng vì nó nói rõ hiện tượng (chỗ bị viêm) và cách đọc không quá khó khăn.
Thuật ngữ càng ngắn gọn càng hay nhưng điều quan trọng hơn là phải rõ ràng, chính xác.
h. Tính thực dụng và phổ quát, nên tránh lai tạp .
Trước hết, tính dễ dùng đòi hỏi thuật ngữ phải dễ hiểu, dễ nhớ. Ngoài ra, thuật ngữ khoa học phải có tính phổ quát, được dùng khắp thế giới mới thật là có khả năng cao. Ở các nước Âu châu, tiếng La-tinh và Hy-lạp được xem là ngôn ngữ gốc và phần lớn thuật ngữ khoa học đã dùng các gốc từ của hai ngôn ngữ cổ này nên được hiểu dễ dàng và thông dụng ở nhiều nước. Ngay cả những người không thông thạo cổ ngữ cũng có thể tìm ra nghĩa của các gốc từ để hiểu nghĩa thuật ngữ.
Một thuật ngữ thực dụng là một thuật ngữ dễ dùng và dễ được chấp thuận vì gần gủi, thích hợp với những từ đã được dùng. Thường thường nên dùng những gốc từ quen thuộc, đã được dùng và chấp nhận trong những từ ghép khác. Trong hai gốc từ La-tinh và Hy-lạp cùng có một nghĩa, nên chọn gốc nào thường đã được dùng trong lĩnh vực đó.
Những phần tử tạo thành một từ ghép nên có gốc cùng một ngôn ngữ. Thường thường, những thành phần có gốc cùng một ngôn ngữ sẽ kết hợp lại dễ hơn và tạo nên một từ dễ đọc hơn là một từ lai tạp.
i. Tính ổn định.
Một thuật ngữ nên có nghĩa ổn định, vì vậy không nên thêm hay đặt nghĩa mới, cũng như thay đổi cách viết. Nếu không, sẽ gieo sự hổn độn và không nhất quán. Khi một từ không thích hợp đã được đem dùng, sẽ khó lòng sửa đổi hay thay thế bằng một từ khác. (Những hội đồng bàn về danh pháp thường thích duy trì sự ổn định và tính phổ quát của các từ nên mong ước các thuật ngữ được bền vững và không đổi thay).
Vì vậy việc lựa chọn ban đầu rất quan trọng, phải làm thế nào có được một tuyển chọn thông minh, đắn đo, biết phân biệt hơn thiệt.
Tuy nhiên, đôi khi cũng bắt buộc phải thanh lọc thuật ngữ, nhất là khi có thuật ngữ bị chọn sai, kém diễn tả hay không còn đúng nữa. Có khi một phát minh mới, một bối cảnh mới, bắt buộc một từ phải thay đổi nghĩa trong khi dạng của nó vẫn giữ như cũ (ví dụ sự thay đổi nghĩa của " atom " và " electron ").
Chính vì vậy nên phải thành lập những hội đồng danh pháp.
k. Việc thừa nhận, phê chuẩn.
Trong mỗi ngành có thể đã đề ra những qui luật chính thức về danh pháp thì nên tham khảo. Trong những ngành như y học, hóa học, thực vật, v.v. ... nhiều qui luật đã định ra. Khi có việc khó giải, sự phê chuẩn, thừa nhận của một hội đồng hay cơ quan thuộc một lãnh vực khoa học nào đó sẽ giúp lựa chọn một trong nhiều từ khác nhau.
Việc sáng tạo từ ngữ mới ở nhiều nước cũng được thực hiện định kỳ và có hệ thống. Cụ thể có một ủy ban nghiên cứu với nhiệm vụ điều tra, góp nhặt, tuyển chọn và đề nghị, thảo luận đánh giá để rồi quyết định và phổ biến các từ ngữ mới được phiên dịch hay sáng tạo.
Tóm lại, thuật ngữ cần có các tiêu chuẩn chính như : chính xác, có hệ thống, ngắn gọn, dễ dùng, đúng về ngữ học cũng như có tính chất ngôn ngữ dân tộc. Không phải bất cứ một từ nào cũng phải có đủ các tiêu chuẩn đó. Những tiêu chuẩn trên không tách rời nhau hoàn toàn mà có khi gắn liền ràng buộc lẫn nhau, có khi lại mâu thuẩn với nhau. Phần lớn những từ dùng trong sinh học và y học không hoàn toàn giải đáp tất cả những đặc tính đòi hỏi ở trên; thuật ngữ hay nhất vì vậy chỉ là thuật ngữ đáp ứng được nhiều tiêu chuẩn hơn hết.
Trong phần sau, chúng ta sẽ xem với những phương thức nào, người Anh và người Pháp đã tạo ra từ vựng chuyên môn của họ.

* * * * * * * * * *

Hết Phần A

* * * * * * * * * *

Xin xem Phần B tiếp theo:

B. Danh pháp khoa học Anh, Pháp và tiếng Hy-lạp, La-tinh

* * * * * * * * * *

* * * * * * * * * *


Copyright © 1997-2001 Nguyen Hy Hau. All Rights Reserved.